Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Tặng bạn Phạm Phương Thảo ở Hải Phòng chiếc xe lăn

0 nhận xét
Ngày 6/11, thành viên Quỹ hỗ trợ an sinh của người khuyết tật đã xuống Hải Phòng trao tặng bạn Phạm Phương Thảo chiếc xe lăn.

Ban quản lý Quỹ hỗ trợ an sinh của người khuyết tật được biết tới hoàn cảnh của bạn Phạm Phương Thảo qua bức thư kêu gọi sự giúp đỡ từ nhóm sinh viên tình nguyện khoa công tác xã hội Đại học Hải Phòng, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ các nhóm người có hoàn cảnh yếu thế trong cộng đồng.


Mẹ bạn Thảo vui mừng vì có người tìm đến động viên con mình

Bạn Phạm Phương Thảo (Liễu Dinh - Trường Thọ - An Lão – Hải Phòng) sinh năm 1993 trong một gia đình có bốn anh chị em. Trẻ em vốn là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước nhưng Thảo lại bị khuyết tật từ nhỏ, mọi sinh hoạt của bạn phụ thuộc vào bàn tay của mẹ. Hai chị gái của Thảo đã đi xây dựng gia đình, hiện nay bạn Thảo đang sống cùng mẹ và anh trai.

Hoàn cảnh gia đình bạn khó khăn, bố mất sớm nên các anh chị của Thảo cũng chỉ được học hết lớp 9. Bạn Thảo thì không có cơ hội được đến trường song cô em út cũng được các anh chị của mình dạy cho biết đọc, biết viết. Cách đây 4 tháng, hoàn cảnh của bạn Thảo được các bạn sinh viên biết đến, họ mua sách truyện tặng bạn, khuyến khích bạn viết truyện, viết văn. Thảo rất thích thú và ham đọc sách báo, chịu khó viết bài. Mơ ước của bạn là có xe lăn mới “để em được đi ra ngoài và em có thể biết được thế giới bên ngoài như thế nào” 5 năm nay Em chưa được đi ra khỏi nhà. Em muốn ra ngoài lắm chị ạ” – Thảo tâm sự với chúng tôi.










Để giúp bạn Thảo thực hiện mơ ước này chúng tôi đã tặng bạn Thảo chiếc xe lăn. Tuy xe không còn mới nữa nhưng vững chắc hơn chiếc xe củ đã han gỉ và rách nát của bạn. Với chiếc xe lăn vừa được tặng, mẹ bạn Thảo có thể đưa bạn ra ngoài dạo chơi thường xuyên hơn và ngắm cảnh thiên nhiên, gặp gỡ những người hàng xóm.

Nguyễn Vân
(thực hiện)

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Danh sách những người ủng hộ từ 10/7 đến 10/9/2010

0 nhận xét
Xin trân trọng thông báo, trong 2 tháng vừa qua, Ban quản lý Quỹ hỗ trợ An sinh người khuyết tật đã nhận được sự ủng hộ của những tấm lòng nhân ái. Chi tiết được liệt kê dưới đây:

.: Anh Phan Đăng Nguyên – Hội viên Trung tâm Sống độc lập Hà Nội - ủng hộ 200.000VNĐ (hai trăm ngàn)

.: Chị Nguyễn Tuyết Lê - ở Hà Nội - ủng hộ 100.000 VNĐ (một trăm ngàn)

.: Anh Trần Xuân Thắng - ở Giáp Bát, Hà Nội - ủng hộ 50.000 VNĐ (năm mươi ngàn)

.: Chị Nguyễn Mai Ban - ở Ba Đình, Hà Nội - ủng hộ 50.000 VNĐ (năm mươi ngàn)

.: Cô Trần Thị Thanh – ở Hà Đông, Hà Nội - 50.000 VNĐ (năm mươi ngàn)

.: Anh Nguyễn Công Kha – nhân viên công ty bảo vệ ở Hà Nội - 50.000 VNĐ (năm mươi ngàn)

Quỹ hỗ trợ an sinh của người khuyết tật xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả những tấm lòng nhân ái đã ủng hộ. Chúc các anh chị luôn mạnh khỏe, thành công trong cuộc sống.

Ban quản lý Quỹ hỗ trợ an sinh của người khuyết tật.

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

HỖ TRỢ 70 ANH CHỊ EM ĐI DÃ NGOẠI

0 nhận xét
Thứ Bẩy (16/10), khu du lịch sinh thái Đầm Long bỗng dưng trở nên đông vui nhộn nhịp bất thường bởi sự hiện diện của 70 người bao gồm các anh chị em hội viên Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội cùng một số người thân và các bạn PA (người hỗ trợ cá nhân.)

Cả đoàn 70 anh chị em tham gia chuyến đi
Để có được thành công của chuyến dã ngoại này Ban quản lý Quỹ hỗ trợ an sinh đã nhận được sự hỗ trợ về vật chất của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, sự hỗ trợ về mặt hành chính từ Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội và sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên (phần lớn là những người đang làm việc và học tập tại Hà Nội), các bạn trẻ PA thuộc Trung tâm.

Khu du lịch sinh thái Đầm Long nằm cách trung tâm Hà Nội 70km về phía tây, ở Bằng Tạ - Sơn Tây. Vượt qua hành trình dài như vậy mà lại đi và về chỉ trong một ngày cùng với sự hỗ trợ của các bạn PA, mặc dù trời mưa và lạnh, nhưng chúng tôi không nản lòng, trên khuôn mặt của mọi người, nụ cười luôn thường trực, điều đó cũng đã đủ nói lên tất cả ý chí, lòng quyết tâm và vượt lên trên hết là tình yêu cuộc sống rất mãnh liệt, rất khát khao, rất dũng cảm của những người phải sử dụng xe lăn thường xuyên, thậm chí có anh bị khuyết tật vận động nặng đến mức phải nửa ngồi nửa nằm trên chiếc xe thiết kế đặc biệt nhưng anh đã đồng hành không một phút mệt mỏi. Chính vì thế mà tất cả các anh chị em tham gia đã cùng chung tay giơ cao khẩu hiệu: “Trung tâm Sống độc lập Hà Nội thúc đẩy thực hiện quyền sống độc lập của của người khuyết tật”.

Treo băng rôn tại khu vực đoàn thuê phòng nghỉ chân
Sự có mặt của đoàn nhiều người sử dụng xe lăn đến như vậy đã thu hút sự chú ý của không ít các du khách và những người dân địa phương xung quanh khu du lịch sinh thái Đầm Long. Hình ảnh về người khuyết tật nặng có đủ khả năng sống độc lập với sự hỗ trợ của cộng đồng đã để lại nhiều ấn tượng trong mắt những người trẻ tuổi, nhất là khi những cô bán hàng giới thiệu những đặc sản địa phương và chào mời mua mở hàng lấy may. Trong khi đó, các bà cụ bày tỏ lòng thương và sự cảm thông sâu sắc, có cụ hỏi: “Các cháu có được Nhà nước nuôi dưỡng không?”; “Em cháu đây à?” – đưa mắt nhìn bạn hỗ trợ bà cụ hỏi. Không kìm nén được xúc động, có cụ đã mang những chiếc chong chóng bày bán ra tặng anh em trong đoàn. Sau đó một chị cùng đi trong đoàn phải thuyết phục và giải thích rất lâu để cụ hiểu rằng NKT cũng như tất cả những người khác, họ muốn mua hàng thì phải trả tiền chứ không mượn tình trạng khuyết tật của cơ thể để lợi dụng lòng tốt của người khác, lúc đó cụ mới đồng ý nhận tiền mua chong chóng.

Chuyến đi không được thuận lợi về thời tiết nhưng cũng không cản được sự hân hoan của mọi người, chúng tôi cảm thấy rất tuyệt khi cùng nhau sống trong không khí đoàn kết, quyết tâm. Với mong muốn cộng đồng thay đổi cách nhìn đối với NKT, tất cả các anh chị em hội viên tăng cường đoàn kết, mở rộng hiểu biết và góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về khả năng cũng như nhu cầu du lịch, vui chơi, giải trí đối với người khuyết tật nặng.

Nói về chuyến đi, một chị cho biết: "Với những người sống trong đô thị xung quanh là những toà nhà cao tầng, tiếp xúc hàng ngày với tiếng ồn, khói bụi hoặc như tôi thường ở trong nhà, với bốn bức tường vây quanh thì cái cảm giác được sống giữa thiên nhiên, cây cỏ, hoà mình trong một không gian tinh khiết, nguyên sơ thế này thật vô cùng mới mẻ và thú vị".

Do vẫn còn nhiều định kiến hay nói một cách khác là quan niệm sai lầm đã khiến cho người khuyết tật nặng phải chấp nhận quanh quẩn trong nhà, nhất là chị em phụ nữ khuyết tật, cùng lắm là đi lại gần nơi mình ở, mà những dịp như thế cũng hiếm hoi. Đối với hầu hết những người phụ nữ trong hoàn cảnh như vậy, được nhìn thấy phong cảnh sơn thuỷ tươi đẹp chắc chỉ có trong giấc mơ. Với khả năng tài chính hiện nay, Quỹ hỗ trợ an sinh mới chỉ đủ hỗ trợ cả đoàn tiền ăn trưa trong chuyến dã ngoại và coi đó là món quà nhỏ dành tặng cho các anh chị em người khuyết tật nặng đã tự tin sống độc lập. ( Riêng chị Nguyễn Thị Huyền và anh Đinh Quốc Tuấn ở Gia Lâm là những người khuyết tật nặng đặc biệt khó khăn nên Ban quản lý Quỹ hỗ trợ an sinh đã hỗ trợ toàn phần để hai anh chị và người trợ giúp cá nhân thực hiện được chuyến đi nhiều ý nghĩa này.)

Chúng tôi tha thiết mong có thể tổ chức ngày càng nhiều chuyến dã ngoại đặc biệt thế này, không chỉ đến các địa điểm gần Hà Nội nữa mà có thể xa hơn như Vịnh Hạ Long, nơi được coi là di sản thiên nhiên của thế giới, một nơi có vẻ đẹp lãng mạn mà không một du khách nào tới Việt Nam mà không muốn đến thăm và cũng chính là mơ ước của các thành viên trong Quỹ hỗ trợ an sinh: Đó là mong muốn có thể hỗ trợ cho tất cả các thành viên được đến Hạ Long để tận mắt nhìn thấy những gì mà họ chỉ mới nghe kể hoặc thấy qua báo chí, ti vi… Để những người khuyết tật nặng có cơ hội hòa nhập cộng đồng, được thấy mình là những công dân Việt Nam với tâm hồn Việt Nam, được hòa mình trong cảnh thiên nhiên của đất nước mình như bao người khác.
Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ từ nhiều các tổ chức, các doanh nghiệp cũng như cá nhân để có thể thực hiện được niềm mơ ước này.

Xin chân thành cảm ơn những tấm lòng nhân ái đã luôn ủng hộ chúng tôi trong thời gian qua!

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

DANH SÁCH ỦNG HỘ THÁNG 7/2010 VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG

0 nhận xét
Trong tháng 7/2010, những tấm lòng nhân ái cùng với sự nhiệt tình vì phong trào nâng cao vị thế NKT trong xã hội. Quỹ hỗ trợ an sinh NKT đã nhận được sự ủng hộ của:

.: Chị Nguyễn Mai Linh - Thụy Khuê, Hà Nội - ủng hộ 100.000VNĐ (một trăm ngàn - ủng hộ lần thứ 2)

.: Chị Kim Nhung - Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo Nam Việt - ủng hộ 100.000VNĐ (một trăm ngàn - ủng hộ lần thứ 3)

.: Họa sĩ Thế Duy - hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội - ủng hộ 50 USD (năm mươi đôla Mỹ - ủng hộ lần thứ 3)

.: CLB PA - Trung tâm Sống độc lập Hà Nội - ủng hộ 400.000VNĐ (bốn trăm ngàn đồng)

.: Chị Hương - Sinh viên DDHXH&NV, PA Trung tâm Sống độc lập Hà Nội - ủng hộ 40.000VNĐ (bốn mươi ngàn đồng)

HỖ TRỢ CHỊ DIỄM HƯƠNG PHIẾU MUA THUỐC ĐIỀU TRỊ

Đầu tháng 8/2010, sau khi được biết tin chị Diễm Hương, hội viên Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, đi mổ điều trị biến chứng tổn thương cột sống do tai nạn. Đại diện đã trao tặng Diễm Hương phiếu mua thuốc trị giá 500.000 VNĐ (năm trăm nghìn đồng) với tinh thần chia sẻ một phần khó khăn trước mắt và động viên mong chị mau khoẻ để nhanh chóng tham dự các cuộc họp và giao lưu với mọi người.

(Chị Diễm Hương đã phải ngồi xe lăn hơn 6 năm nay vì liệt tuỷ sống, hiện nay Diễm Hương ở cùng nhà với bố mẹ và một người trợ giúp cá nhân hỗ trợ chị trong sinh hoạt hàng ngày).





Tổn thương tủy sống là những tổn thương gây liệt hai chân hoặc liệt cả hai chân và hai tay kèm theo những rối loạn khác về cảm giác. Rối loạn cảm giác làm cho các biến chứng và thương tật thứ phát như loét do tì đè dễ xảy ra và trở nên ngày càng trầm trọng nếu không có sự chăm sóc đặc biệt. Vết loét sẽ gây ra nhiều khó khăn cho sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí có thể sinh ra nhiều loại bệnh khác, đặc biệt là loét vào cùng xương cụt thì chữa trị càng khó khăn hơn rất nhiều. Vì là vùng rất khó giữ do bị tì đè nhiều, người bị loét sẽ không nằm ngửa được mà chủ yếu phải nằm nghiêng dẫn đến nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

TẠO CƠ HỘI GIÚP NKT TIẾP CẬN VỚI THẾ GIỚI BÊN NGOÀI

Để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội giúp NKT phát huy hết những khả năng cá nhân thì công tác nâng cao nhận thức là rất cần thiết, và sự quan tâm của cộng đồng xã hội là điều tất yếu để dẫn tới thành công. Thực tế cho thấy hiện nay ở Việt Nam vẫn còn có nhiều NKT không có cơ hội để hoà nhập cộng đồng, họ rất thiệt thòi. Chính vì thế họ trở nên rất mặc cảm với kiến thức ít ỏi của mình, họ không biết những gì đang diễn ra ngoài xã hội bởi vì phần lớn NKT chỉ quanh quẩn trong nhà, không ra khỏi khu vực mình sống, không tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá như xem phim, nghe nhạc, đi du lịch, hoặc học hỏi những kiến thức tối thiểu xung quanh mình… khiến họ sống thu mình, nhút nhát, mặc cảm… họ không có khả năng tự bảo vệ bản thân trước sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội và đôi khi của chính những thành viên khác trong gia đình.

Cùng với những cố gắng chung tay góp sức của các thành viên QUỸ HỖ TRỢ AN SINH NKT đã mang đến sự hỗ trợ trực tiếp tới những trường hợp đặc biệt khó khăn trong thời gian qua, sắp tới Ban quản lý Quỹ dự định phối hợp cùng Trung tâm Sống độc lập Hà Nội tổ chức một chuyến đi dã ngoại để tất cả các hội viên có cơ hội tham gia. Mục đích của chúng tôi là giúp NKT trở nên mạnh dạn, tự tin và yêu cuộc sống hơn khi họ có thể đi được đến những nơi mà họ muốn đến. Cũng nhờ những hoạt động này mà NKT hiểu biết thêm văn hóa các vùng miền, biết được nhiều thông tin khác thông qua các hoạt động chung, không bị tụt hậu so với những thành viên khác trong xã hội, biết được mình có đủ khả năng để thực hiện được những điều mà bản thân luôn nghĩ rằng mình không thể làm được.

Từ đó giúp họ vạch ra được những việc cần làm cho chính bản thân và cuộc sống, giúp họ hiểu được họ cũng có những quyền như tất cả các thành viên khác trong xã hội, hiểu rằng không phải thân phận họ sinh ra bị khuyết tật thì họ phải chấp nhận cuộc sống như thế. Đồng thời để toàn xã hội hiểu rằng NKT vẫn đang sống, tồn tại, làm việc, và họ cũng có nhu cầu về mọi mặt như các thành viên khác trong xã hội bên cạnh những đóng góp tích cực của họ đối với cộng đồng .

Ban quản lý Quỹ hỗ trợ An sinh

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Hỗ trợ chị Đào Hồng Hoạt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 số tiền 500.000VNĐ

0 nhận xét
Ngày 4/7, một bạn tình nguyện viên thay mặt Quỹ hỗ trợ an sinh người khuyết tật đã đến thăm và chuyển số tiền 500.000 đồng của Quỹ tặng chị Đào Hồng Hoạt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 2.

Số tiền này tuy không nhiều nhưng phụ giúp thêm cho sinh hoạt của chị hàng ngày được bảo đảm hơn. Dưới đây là bài viết với thông tin khá đầy đủ về hoàn cảnh của chị.




“Hoạt kê” tràn lệ

Nhiều người ví chị giống như “cây xương rồng trên cát”, dù bao khó khăn vẫn vươn mình đầy khát vọng. Chị không bao giờ để hoàn cảnh tác động tới mình, không bao giờ buông xuôi hay trốn tránh hiện thực. Chị luôn tâm niệm khi con người ta không có đôi chân để đi, thì vẫn còn có một trái tim biết yêu và biết rung động trước những cái đẹp bình dị nhất của cuộc đời.

Chữ tài liền với chữ tai một vần

Hơn 20 năm về trước, người ta biết đến chị Đào Hồng Hoạt (sinh năm 1967, thôn Vĩnh Chung, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Tây) là một cô gái “tài sắc vẹn toàn”. Đó là vẻ đẹp của người con gái đoan trang, hiền thục. Vẻ đẹp ấy đã lọt vào mắt xanh của không biết bao nhiêu chàng trai. Thi đậu Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, với nhiều thành tích trong học tập và công tác nên trường có ý giữ chị ở lại làm giảng viên. Thế nhưng, 7 tuần đứng trên bục giảng trong thời gian thực tập lại là những ngày đầu và cũng là những ngày cuối cùng trong sự nghiệp giảng dậy của chị. Sự đời éo le, chị cũng không được dự kỳ thi tốt nghiệp vì bệnh viêm đa khớp, di chứng để lại sau lần tai nạn trên đường chị về Nam Định. Đôi chân không đi được vì các khớp xương đều biến dạng; hai bàn tay luôn đau buốt và bị co rút nên cũng không cầm nắm được; chị lúc nào cũng phải ngồi ngay cả khi muốn nằm vì cả cơ thể luôn sưng tấy và đau nhức. Mọi sinh hoạt của chị rất khó khăn.

Sau một thời gian ở nhờ nhà người bạn, chị về sống với người mẹ già trong căn nhà nhỏ ở quê. Mẹ tuổi đã cao, tinh thần lại thiếu minh mẫn, nhưng bà lại là người duy nhất giúp chị các sinh hoạt cá nhân hàng ngày như tắm rửa, giặt giũ, nấu cơm,... Nhiều khi mẹ bị ốm hay vắng nhà, không người giúp đỡ chị chỉ biết ngồi khóc. Những cơn đau đã không cho phép chị tự đứng dậy chăm sóc bản thân, những giọt nước mắt tưởng chừng cứ mãi rơi trong vô vọng. Nhiều lần chị phải nhịn đói 2 ngày, trong khi ruột thịt của chị ở xung quanh đó cũng có nhiều.

Cây xương rồng trên cát

Thời còn đi học, với nét chữ mềm mại cộng với tài năng văn chương và khả năng hội họa, chị từng là chủ bút của rất nhiều tờ báo tường, trong đó có nhiều tờ do các sinh viên các lớp khác thuê chị làm, nhờ thế nên chị cũng có thêm tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên của mình. Giờ khi đã không thể tự mình vận động, những khi đỡ đau, chị lại vẽ tranh, làm thơ, viết sách báo, viết thư thuê,… kiếm thêm tiền cộng vào số tiền trợ cấp ít ỏi (55.000đ/tháng) để nuôi mình, nuôi mẹ. Các bài báo, bài thơ của chị được đăng trên nhiều tờ báo lớn như Người Lao động TP. HCM, Thanh niên, Gia đình và Xã hội, ANTG,… Những bức tranh, bài thơ ấy đều đi từ tưởng tượng của chị hay qua miêu tả qua loa của những người bạn. Có những tưởng tượng mang nét hiện thực và hiện đại khiến người ta nghĩ tác giả của chúng phải là người “lăn lộn thực tế” (như tranh về con ốc, chiếc cầu thang xoắn, bức tranh xương rồng trên cát,…), nhưng có ai biết ngay cả việc tự mình ngồi lên chiếc xe lăn chị cũng không thể. Những hình ảnh ấy chị chưa từng một lần biết đến hoặc thêm một lần biết mới. Và “hôm nay làng vẫn sống trong chị bằng ký ức của bao nhiêu năm về trước”.

Thương mình, thương mẹ, đã không biết bao nhiêu lần chị viết thư để kêu gọi sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông, các Trung tâm bảo trợ xã hội. Họ cũng về nhà chị, nhưng thấy chị có 3 người chị gái (thực chất chưa 1 lần quan tâm tới đứa em tật nguyền); có mẹ chăm sóc và bản thân chị vẫn tự kiếm được tiền nên họ từ chối nhận chị vào các Trung tâm.

Bất lực và tuyệt vọng, chị càng bất lực hơn khi mẹ về sống với chị cả. Nhưng chị đã không đầu hàng số phận và hoàn cảnh. Lá thư dài 8 trang với tất cả những tâm sự chân thật của người con gái tài hoa mà bất hạnh và bài thơ “Hoạt kê” tràn lệ đã lay chuyển được “tâm” của Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 (thôn Phù Yên, xã Viên An, Ứng Hoà, Hà Nội). Chị được nhận vào đây làm bạn với biết bao “số phận tật nguyền” như: Lan liệt (20 tuổi), chị Phiên (25 tuổi) bị bại liệt đi lại rất khó khăn, hai chị em bà Mấn (54 tuổi), bà Mín (57 tuổi) bị liệt hơn 30 năm nay không thể giở mình được, bà Thanh (75 tuổi), bà Máy (70 tuổi) cũng bị liệt,… Rồi cả những người bị bệnh tâm thần, đêm ngày chỉ biết la hét, thậm chí xé quần áo, phá hỏng đồ đạc trong phòng chị. Có lẽ trong số họ chị là người duy nhất biết chữ và còn minh mẫn. Rồi mẹ mất, mọi ràng buộc thế giới bên ngoài với chị nguội dần.

Từ tháng 8/2008, thuốc dường như chỉ còn là thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của chị. Cộng thêm bệnh đau đầu, đau dạ dày, hiện nay chị có thêm khối u ở bàn tay trái, sức khoẻ của chị ngày càng yếu dần. Nhất là những khi trở trời, những cơn đau buốt trong cảnh sống không người chăm sóc lại càng hành hạ chị hơn.

Những ngày nắng nóng, khu nhà liệt của Trung tâm, nơi chị và rất nhiều số phận kia đang sống phải trải qua những ngày giống như trong hỏa lò. Chị đã không ít lần đề nghị Trung tâm cho mình được chuyển ra ngoài hay chuyển sang một khu khác, nhưng với điều kiện hiện nay của chị, không người chăm sóc, không nhà cửa,… nên mọi lời đề nghị của chị đều bị từ chối. Chị luôn muốn được cống hiến, được sống hết mình và trở thành người có ích cho xã hội, vì vậy chị luôn nuôi trong mình ước mơ có được một người hỗ trợ, một ngôi nhà trọ bình dân để không phải sống cảnh “hỏa lò” hay sống dưới những tiếng la hét mỗi ngày.

Nguyễn Huệ (thực hiện)


“Hoạt kê” tràn lệ
(Trích đăng)


Không khóc mà sao vấy ướt mi
Khi viêm đa khớp diệt xuân thì
Em đi từ đó vào quên lãng
Vũng sống tỏa kiềm cả tứ chi.


Hỏa lò

Hỏa lò thật sướng nơi đây
Tường xây kín mít kín đầy bốn phương
Bao nhiêu số phận tai ương
Phải vào giam hãm cùng đường nơi đây
Chao ôi! Thật oái oăm thay
Cửa sắt khóa chặt đêm ngày ung dung
Mùa hè nóng nực nóng ung
Không một sợi gió đưa đung hỏa lò
Đành rằng có quạt thổi cho
Cái nóng hầm hập vẫn bo quanh người
Không cho giao tiếp với đời
Buồn tủi hiu quạnh để rồi lệ rơi
Ở đây cũng thật lắm người
Nhưng toàn câm điếc chuyện cười với ai?
Trời ơi tháng rộng năm dài
Sống như tù ngục ở thời nguyên sinh
Chỉ một mình với một mình
Một ngày dài tựa vô hình một năm
Ước mong bầu bạn đến thăm
Ước mong người biết để tâm sự cùng
Chuyện trò chia sẻ cõi lòng
Giãi bày tâm sự biết cùng ai đây?
Mong rằng câu chữ thẳng ngay
Cấp trên biết được sẽ hay tỏ tường
Cho con một chút tình thương
Cho con một chút vấn vương với đời
Xóa đi mặc cảm những lời
Tù giam cơ khổ Hỏa lò thế sao?
Mong rằng không phải chiêm bao
Cửa sắt rộng mở đón chào người quen
Để rồi thành một cái tên
Trung tâm là chốn văn minh ở đời


Đào Hồng Hoạt
14/6/2009

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Tặng chị Lê Vân Anh bị tổn thương cột sống chiếc xe lăn

3 nhận xét
Ngày 10/6, đại diện Quỹ hỗ trợ an sinh người khuyết tật đã trao tặng chị Lê Vân Anh, ở phòng 222, khu tập thể C4 Vĩnh Hồ, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội chiếc xe lăn.

Vân Anh vốn là một cô gái rất xinh xắn, vóc dáng cao ráo, sau một tai nạn đáng tiếc khiến chị bị gãy cột sống. Bố và mẹ của chị cũng đã cố gắng tìm mọi cách chữa chạy cho con gái, ở đâu mách có thầy, có thuốc chữa được, dù phải vay mượn gia đình cũng đưa đi bằng được với hy vọng nhìn thấy con gái có thể đi lại được như mọi người khoẻ mạnh. Nơi Vân Anh nằm viện lâu nhất là khoa phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai, với sự tận tình chữa trị của các bác sĩ nhưng cuối cùng chị đành phải chấp nhận sự thật liệt 2 chân.



Cách đây 7 năm, chị cũng đã được khoa phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai tặng một chiếc xe lăn nhưng đến nay thì chiếc xe đã không thể sử dụng được nữa. Giờ đây, cả bố mẹ chị đều đã già, cuộc sống kinh tế của 2 bác cũng khó khăn, chúng tôi (những thành viên của Quỹ hỗ trợ an sinh người khuyết tật) rất muốn giúp đỡ chị nhiều hơn nữa, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, quỹ tặng cho chị một chiếc xe lăn, chiếc xe không còn được mới nữa, nhưng nó rất vừa với chị, hy vọng rằng quỹ có thể sẽ giúp đỡ được chị nhiều hơn nữa trong tương lai.



Hiện nay, chị là thành viên của Trung tâm sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội và có người trợ giúp cá nhân. Vì vậy, tuy vết loét do tổn thương chưa lành hẳn nhưng Vân Anh vẫn có thể dọn dẹp nhà cửa và lo toan việc bếp núc. Nhà chị ở tầng 3 nên việc đến thăm rất vất vả, vì thế chúng tôi đã trao tặng chị chiếc xe lăn đúng vào hôm Vân Anh đến Trung tâm sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội gặp gỡ các anh chị em.

Chúc chị luôn vui tươi, xinh đẹp và sống tràn đầy nghị lực.

Đồng thời, nhân dịp này, Quỹ hỗ trợ an sinh người khuyết tật cũng đã đến thăm lại gia đình anh Phí Quang Huy và giúp anh thêm 1.000.000VNĐ (một triệu đồng) để hỗ trợ anh chữa bệnh. Mong anh khỏe mạnh và có thể tiếp tục việc học tập của mình.





Vũ Anh Tú thực hiện

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2010

NHỮNG MẠNH THƯỜNG QUÂN ỦNG HỘ QUỸ TỪ 10/5 - 10/6/2010

0 nhận xét
Trong một tháng vừa qua, Quỹ hỗ trợ an sinh của người khuyết tật tiếp tục nhận được sự ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm gần xa. Ban quản lý quỹ đã nhận được số tiền và hiện vật ủng hộ của các cá nhân và tổ chức sau đây:

.: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phân bón Vi sinh, Ngõ 228 Lê Trọng Tấn, Hà Nội - ủng hộ 1.000.000VNĐ (một triệu đồng)

.: Anh Lê Huy - Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên - ủng hộ 200.000VNĐ (hai trăm ngàn đồng)

.: Chị Kim Nhung - Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo Nam Việt - ủng hộ 30.000VNĐ (ba mươi ngàn đồng - ủng hộ lần thứ 2)

.: Anh Trần Thanh Việt - giáo viên trường THCS Phan Chu Trinh - ủng hộ 100.000VNĐ (một trăm ngàn đồng)

.: Họa sĩ Thế Duy - hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội - ủng hộ 200.000VNĐ (hai trăm ngàn - ủng hộ lần thứ 2)

.: Anh Vũ Ngọc Tân - Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam - ủng hộ 800.000VNĐ (tám trăm ngàn đồng)

.: Chị Đào Minh Huệ - điều phối viên hỗ trợ nữ, Trung tâm Sống độc lập Hà Nội - không công bố số tiền ủng hộ

.: Chị Ngô Kim An - ở Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội - ủng hộ một chiếc xe lăn

.: Một việt kiều (không công bố tên) tại bang Georgia, Mỹ - ủng hộ 500.000VNĐ (năm trăm ngàn đồng)

.: Cô giáo Dương Thu Hà - Trường phổ thông trung học Việt Đức Hà Nội - ủng hộ 200.000VNĐ (hai trăm ngàn đồng)

.: Chị Hoàng Oanh (giấu địa chỉ) - ủng hộ 200.000VNĐ (hai trăm ngàn đồng)

.: Em Thanh Hằng - học sinh lớp 10D1, Trường trung học phổ thông Việt Đức Hà Nội - ủng hộ 50.000VNĐ (năm mười ngàn đồng)


Sự quan tâm ủng hộ của những tấm lòng nhân ái chính là nguồn động viên to lớn giúp cho Quỹ ngày càng vững mạnh và mở rộng hoạt động. Ban quản lý chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những tấm long đồng hành cùng Quỹ hỗ trợ an sinh của người khuyết tật.

Kính chúc các ân nhân của Quỹ cùng gia đình mọi điều may mắn, thành đạt và hạnh phúc!

Ban quản lý Quỹ hỗ trợ an sinh của người khuyết tật.

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

Trao tặng anh Bùi Công Đức chiếc xe lăn

0 nhận xét
Anh Bùi Công Đức, sinh săm 1974 đã nhận được chiếc xe lăn của Quỹ hỗ trợ an sinh người khuyết tật trao tặng ngày 7/6.

Hiện nay, anh Đức đang sống cùng vợ và 2 con. Vợ chồng anh ở cùng mẹ anh tại số nhà 60, ngách 2, hẻm 2, ngõ Giếng Mứt, phố Bạch Mai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cả nhà anh trông vào nguồn thu nhập chính do mẹ và vợ Đức bán bún ngan buổi sáng ngoài đầu ngõ.



Chiếc xe lăn do Quỹ trao tặng tuy không còn mới nhưng cũng đủ giúp anh Đức có thể dễ dàng tự tin hơn nhờ người thân, bạn bè, hàng xóm hỗ trợ anh trong việc sinh hoạt cá nhân và đưa anh ra ngoài dạo chơi. Anh Đức có nguyện vọng được tham gia các khoá tập huấn nâng cao hiểu biết và hoà nhập cộng đồng.





Trước khi có xe lăn, anh Bùi Công Đức chỉ có thể hoạt động trong không gian nhỏ hẹp của chiếc ghế vừa là giường nằm như thế này.





Nguyễn Sâm thực hiện

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

CHUYỂN TIẾP QUÀ TẶNG BÉ HẬU TẠI TP.HCM

2 nhận xét
Ngày Tết thiếu nhi (1/6) vừa qua, nhóm tình nguyện viên tại TP.HCM đã thay mặt Quỹ hỗ trợ an sinh người khuyết tật đã đến thăm và chuyển quà tặng của anh Vũ Ngọc Tân đến em Nguyễn Công Hậu, 12 tuổi, địa chỉ 1142/1 tổ 19, khu phố 2 đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM.

Anh Vũ Ngọc Tân - kỹ sư CNTT Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam sau khi ủng hộ Quỹ, anh đã nhờ đại diện Quỹ hỗ trợ an sinh người khuyết tật chuyển một phần quà riêng của anh đến bé Hậu.


Nguyễn Công Hậu bị vảy nến đỏ da toàn thân

Từ lúc lọt lòng, Nguyễn Công Hậu đã mắc bệnh hiếm gặp. Suốt 12 năm qua, tuổi thơ của em không có bạn bè và mái trường. Sức khỏe của Hậu phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc. Ban ngày toàn thân em đỏ au, chỉ có buổi tối trời dịu mát cơ thể em mới dễ chịu. Nếu ngưng thuốc thì da tự động nứt ra và chảy máu, khiến côn trùng bay tới lượn quanh em. Hậu bị vảy nến đỏ da toàn thân, một thể nặng của bệnh vảy nến. Bác sĩ da liễu nói bệnh này phụ thuộc vào thuốc, nếu điều trị thường xuyên thì sống lâu. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của phường nhưng số tiền trợ cấp hàng tháng 150.000VNĐ dành cho Hậu không thấm vào đâu.

Bên cạnh món quà trị giá 200.000VNĐ của anh Vũ Ngọc Tân gửi tặng, nhóm tình nguyện viên cũng biếu gia đình em hơn 1.000.000VNĐ. Hy vọng với số tiền này, gia đình em bớt được một phần khó khăn trước mắt để lo thuốc men cho em.

















Tây Thy thực hiện
blogger web statistics