Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Hỗ trợ chị Đào Hồng Hoạt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 số tiền 500.000VNĐ

0 nhận xét
Ngày 4/7, một bạn tình nguyện viên thay mặt Quỹ hỗ trợ an sinh người khuyết tật đã đến thăm và chuyển số tiền 500.000 đồng của Quỹ tặng chị Đào Hồng Hoạt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 2.

Số tiền này tuy không nhiều nhưng phụ giúp thêm cho sinh hoạt của chị hàng ngày được bảo đảm hơn. Dưới đây là bài viết với thông tin khá đầy đủ về hoàn cảnh của chị.




“Hoạt kê” tràn lệ

Nhiều người ví chị giống như “cây xương rồng trên cát”, dù bao khó khăn vẫn vươn mình đầy khát vọng. Chị không bao giờ để hoàn cảnh tác động tới mình, không bao giờ buông xuôi hay trốn tránh hiện thực. Chị luôn tâm niệm khi con người ta không có đôi chân để đi, thì vẫn còn có một trái tim biết yêu và biết rung động trước những cái đẹp bình dị nhất của cuộc đời.

Chữ tài liền với chữ tai một vần

Hơn 20 năm về trước, người ta biết đến chị Đào Hồng Hoạt (sinh năm 1967, thôn Vĩnh Chung, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Tây) là một cô gái “tài sắc vẹn toàn”. Đó là vẻ đẹp của người con gái đoan trang, hiền thục. Vẻ đẹp ấy đã lọt vào mắt xanh của không biết bao nhiêu chàng trai. Thi đậu Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, với nhiều thành tích trong học tập và công tác nên trường có ý giữ chị ở lại làm giảng viên. Thế nhưng, 7 tuần đứng trên bục giảng trong thời gian thực tập lại là những ngày đầu và cũng là những ngày cuối cùng trong sự nghiệp giảng dậy của chị. Sự đời éo le, chị cũng không được dự kỳ thi tốt nghiệp vì bệnh viêm đa khớp, di chứng để lại sau lần tai nạn trên đường chị về Nam Định. Đôi chân không đi được vì các khớp xương đều biến dạng; hai bàn tay luôn đau buốt và bị co rút nên cũng không cầm nắm được; chị lúc nào cũng phải ngồi ngay cả khi muốn nằm vì cả cơ thể luôn sưng tấy và đau nhức. Mọi sinh hoạt của chị rất khó khăn.

Sau một thời gian ở nhờ nhà người bạn, chị về sống với người mẹ già trong căn nhà nhỏ ở quê. Mẹ tuổi đã cao, tinh thần lại thiếu minh mẫn, nhưng bà lại là người duy nhất giúp chị các sinh hoạt cá nhân hàng ngày như tắm rửa, giặt giũ, nấu cơm,... Nhiều khi mẹ bị ốm hay vắng nhà, không người giúp đỡ chị chỉ biết ngồi khóc. Những cơn đau đã không cho phép chị tự đứng dậy chăm sóc bản thân, những giọt nước mắt tưởng chừng cứ mãi rơi trong vô vọng. Nhiều lần chị phải nhịn đói 2 ngày, trong khi ruột thịt của chị ở xung quanh đó cũng có nhiều.

Cây xương rồng trên cát

Thời còn đi học, với nét chữ mềm mại cộng với tài năng văn chương và khả năng hội họa, chị từng là chủ bút của rất nhiều tờ báo tường, trong đó có nhiều tờ do các sinh viên các lớp khác thuê chị làm, nhờ thế nên chị cũng có thêm tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên của mình. Giờ khi đã không thể tự mình vận động, những khi đỡ đau, chị lại vẽ tranh, làm thơ, viết sách báo, viết thư thuê,… kiếm thêm tiền cộng vào số tiền trợ cấp ít ỏi (55.000đ/tháng) để nuôi mình, nuôi mẹ. Các bài báo, bài thơ của chị được đăng trên nhiều tờ báo lớn như Người Lao động TP. HCM, Thanh niên, Gia đình và Xã hội, ANTG,… Những bức tranh, bài thơ ấy đều đi từ tưởng tượng của chị hay qua miêu tả qua loa của những người bạn. Có những tưởng tượng mang nét hiện thực và hiện đại khiến người ta nghĩ tác giả của chúng phải là người “lăn lộn thực tế” (như tranh về con ốc, chiếc cầu thang xoắn, bức tranh xương rồng trên cát,…), nhưng có ai biết ngay cả việc tự mình ngồi lên chiếc xe lăn chị cũng không thể. Những hình ảnh ấy chị chưa từng một lần biết đến hoặc thêm một lần biết mới. Và “hôm nay làng vẫn sống trong chị bằng ký ức của bao nhiêu năm về trước”.

Thương mình, thương mẹ, đã không biết bao nhiêu lần chị viết thư để kêu gọi sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông, các Trung tâm bảo trợ xã hội. Họ cũng về nhà chị, nhưng thấy chị có 3 người chị gái (thực chất chưa 1 lần quan tâm tới đứa em tật nguyền); có mẹ chăm sóc và bản thân chị vẫn tự kiếm được tiền nên họ từ chối nhận chị vào các Trung tâm.

Bất lực và tuyệt vọng, chị càng bất lực hơn khi mẹ về sống với chị cả. Nhưng chị đã không đầu hàng số phận và hoàn cảnh. Lá thư dài 8 trang với tất cả những tâm sự chân thật của người con gái tài hoa mà bất hạnh và bài thơ “Hoạt kê” tràn lệ đã lay chuyển được “tâm” của Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 (thôn Phù Yên, xã Viên An, Ứng Hoà, Hà Nội). Chị được nhận vào đây làm bạn với biết bao “số phận tật nguyền” như: Lan liệt (20 tuổi), chị Phiên (25 tuổi) bị bại liệt đi lại rất khó khăn, hai chị em bà Mấn (54 tuổi), bà Mín (57 tuổi) bị liệt hơn 30 năm nay không thể giở mình được, bà Thanh (75 tuổi), bà Máy (70 tuổi) cũng bị liệt,… Rồi cả những người bị bệnh tâm thần, đêm ngày chỉ biết la hét, thậm chí xé quần áo, phá hỏng đồ đạc trong phòng chị. Có lẽ trong số họ chị là người duy nhất biết chữ và còn minh mẫn. Rồi mẹ mất, mọi ràng buộc thế giới bên ngoài với chị nguội dần.

Từ tháng 8/2008, thuốc dường như chỉ còn là thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của chị. Cộng thêm bệnh đau đầu, đau dạ dày, hiện nay chị có thêm khối u ở bàn tay trái, sức khoẻ của chị ngày càng yếu dần. Nhất là những khi trở trời, những cơn đau buốt trong cảnh sống không người chăm sóc lại càng hành hạ chị hơn.

Những ngày nắng nóng, khu nhà liệt của Trung tâm, nơi chị và rất nhiều số phận kia đang sống phải trải qua những ngày giống như trong hỏa lò. Chị đã không ít lần đề nghị Trung tâm cho mình được chuyển ra ngoài hay chuyển sang một khu khác, nhưng với điều kiện hiện nay của chị, không người chăm sóc, không nhà cửa,… nên mọi lời đề nghị của chị đều bị từ chối. Chị luôn muốn được cống hiến, được sống hết mình và trở thành người có ích cho xã hội, vì vậy chị luôn nuôi trong mình ước mơ có được một người hỗ trợ, một ngôi nhà trọ bình dân để không phải sống cảnh “hỏa lò” hay sống dưới những tiếng la hét mỗi ngày.

Nguyễn Huệ (thực hiện)


“Hoạt kê” tràn lệ
(Trích đăng)


Không khóc mà sao vấy ướt mi
Khi viêm đa khớp diệt xuân thì
Em đi từ đó vào quên lãng
Vũng sống tỏa kiềm cả tứ chi.


Hỏa lò

Hỏa lò thật sướng nơi đây
Tường xây kín mít kín đầy bốn phương
Bao nhiêu số phận tai ương
Phải vào giam hãm cùng đường nơi đây
Chao ôi! Thật oái oăm thay
Cửa sắt khóa chặt đêm ngày ung dung
Mùa hè nóng nực nóng ung
Không một sợi gió đưa đung hỏa lò
Đành rằng có quạt thổi cho
Cái nóng hầm hập vẫn bo quanh người
Không cho giao tiếp với đời
Buồn tủi hiu quạnh để rồi lệ rơi
Ở đây cũng thật lắm người
Nhưng toàn câm điếc chuyện cười với ai?
Trời ơi tháng rộng năm dài
Sống như tù ngục ở thời nguyên sinh
Chỉ một mình với một mình
Một ngày dài tựa vô hình một năm
Ước mong bầu bạn đến thăm
Ước mong người biết để tâm sự cùng
Chuyện trò chia sẻ cõi lòng
Giãi bày tâm sự biết cùng ai đây?
Mong rằng câu chữ thẳng ngay
Cấp trên biết được sẽ hay tỏ tường
Cho con một chút tình thương
Cho con một chút vấn vương với đời
Xóa đi mặc cảm những lời
Tù giam cơ khổ Hỏa lò thế sao?
Mong rằng không phải chiêm bao
Cửa sắt rộng mở đón chào người quen
Để rồi thành một cái tên
Trung tâm là chốn văn minh ở đời


Đào Hồng Hoạt
14/6/2009
blogger web statistics